Chiều 21/12, Công an TP.HCM đã có buổi họp báo “thông báo về tình hình kết quả công tác năm 2012 và triển khai công tác năm 2013”.
Đặc biệt, Đại tá Lê Anh Tuấn – Chánh văn phòng Công an TP.HCM chính thức thông báo, Công an TP.HCM kể từ nay có mô hình lực lượng 141 như Công an TP.Hà Nội bằng việc thành lập 34 tổ CSCĐ (cảnh sát cơ động) phối hợp với cảnh sát hình sự đặc nhiệm, CSGT để phòng chống tội phạm đường phố, chuyển hóa các địa bàn trọng điểm tại địa bàn TP.HCM.
Mô hình lực lượng 141 của Công an TP.HCM sẽ triển khai từ nay đến hết đợt cao điểm tấn công tội phạm mà chính quyền TP.HCM đang triển khai, đến giữa tháng 3/2013. Cao điểm của đợt này là bảo vệ an ninh trật tự trong dịp tết Tây và tết Nguyên đán.
Đại diện công an TP.HCM trong buổi họp báo chiều 21/12 chính thức thông báo ra mắt mô hình lực lượng 141 TP.HCM
Sau đợt cao điểm này Công an TP.HCM sẽ sơ kết, rút ra kinh nghiệm, tính hiệu quả của mô hình 141 để từ đó điều chỉnh (nếu cần thiết) cho phù hợp với tình hình của loại tội phạm đường phố.
Được biết, trong thời điểm hiện tại, cùng với mô hình 141 mới chính thức khởi động vào hôm nay (21/12) thì Công an TP.HCM cũng chỉ đạo các phòng, đội nghiệp vụ và công an TP.HCM song song triển khai kế hoạch “tăng cường phòng, chống tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng”.
Theo đó, 141 của TP.HCM vẫn tổ chức truy bắt, khống chế nóng các đối tượng gây án cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… trên đường, gọi chung là tội phạm đường phố. Ngoài ra, 141 có quyền kiểm tra “nguội” đối tượng nghi vấn mà lực lượng này tình nghi có mang theo hung khí hoặc chuẩn bị gây án nhằm trấn áp tội phạm từ trong… trứng nước.
Tại buổi họp báo, Đại tá Lê Anh Tuấn thừa nhận “công an TP.HCM kế thừa và phát huy mô hình lực lượng 141 của công an TP.Hà Nội”.
Trông chờ hiệu quả thiết thực
Văn phòng Công an TP.HCM công bố trong năm 2012, toàn địa bàn xảy ra 5.001 vụ phạm pháp hình sự, giảm 7,16% so với năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ phá án đạt gần 74,5%, tức 3.675 vụ, tỷ lệ này tăng so với án khám phá trong năm 2011 đến 4,5%.
Một thực tế mà phía Công an TP.HCM phải thừa nhận đó là tuy án giảm nhưng mức độ phạm tội nguy hiểm, trọng án lại xảy ra chiếm tỷ lệ khá cao, 20% trong tổng số các vụ án xảy ra.
Riêng cướp giật – tội phạm đặc thù của TP.HCM, thống kê cho thấy giảm 11,54% so với năm 2011, nhưng mức độ nguy hiểm lại tăng cao so với các vụ xảy ra trước đây.
Tội phạm đường phố - nỗi kinh hoàng ở TP.HCM, hiện dân đang trông chờ vào lực lượng 141 TP.HCM
Tuy nhiên, để phòng chống tội phạm đường phố nói chung và các loại hình tội phạm nói chung, ngoài việc huy động toàn bộ lực lượng trên địa bàn vào cuộc; Công an TP.HCM cũng cần sự chung tay của người dân.
Theo đó, Công an TP.HCM và các quận, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề nghị người dân cảnh giác với các thủ đoạn, phương thức gây án của tội phạm, tham gia tổ giác tội phạm nếu phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi ngờ, bất minh.
Một công tác khác cũng góp phần trấn áp tội phạm sẽ được Công an TP.HCM áp dụng mạnh trong thời gian tới là, công an các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở, dịch vụ mà đối tượng phạm tội chọn để tiêu thụ tài sảnphạm pháp như: tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng điện tử, kinh doanh ĐTDĐ…
Công an yêu cầu các đơn vị này ký cam kết không mua hàng có nguồn gốc bất minh, nếu có nghi ngờ về vị khách đến tiêu thụ hàng hóa thì cần báo gấp cho công an địa phương gần nhất để kịp thời xử lý, điều tra.
Với mô hình 141 mà công an TP.HCM chính thức khởi động này, người dân đang trông chờ về tính hiệu quả thực tế.