Trong thời gian qua, nhiều y - bác sĩ liên tục bị tấn công, đâm chém trong phòng cấp cứu; trẻ sơ sinh bị bắt cóc; bệnh nhân bị trộm cắp, cò bệnh viện (BV)... Điều đó cho thấy an ninh trật tự ở “nơi cứu người” đang ẩn chứa nhiều mối lo. Hành hung bác sĩ liên tục xảy ra không chỉ ở BV tuyến trung ương mà còn lan xuống tuyến tỉnh, huyện như tại BV Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình), BV Ða khoa Hà Tĩnh, BV Sản Nhi Cà Mau, BV Kinh Bắc (Bắc Ninh)...
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), sau sự cố nói trên, BV đã tăng cường bảo vệ trực 24/24 tại khu vực cấp cứu và những vị trí quan trọng. Tuy nhiên, tại BV này, mỗi ngày có khoảng 20.000 người ra vào nên những tình huống ngoài kiểm soát vẫn xảy ra.
Rút kinh nghiệm sau vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra tại BV Phụ sản Trung ương (Hà Nội), ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV, cho biết quy trình kiểm tra xuất viện được thực hiện nghiêm ngặt. Phải trải qua 2 cửa kiểm tra thì gia đình mới được bế trẻ sơ sinh ra khỏi BV. BV cũng lắp camera tại vị trí nhạy cảm, đặc biệt là khoa sơ sinh. Ngoài việc tuyên truyền để mọi người cảnh giác với người lạ, BV còn tăng cường an ninh, kiểm soát ở các cửa, khoa có trẻ em.
Tại TP.HCM, lỗ hổng trong khâu quản lý an ninh thấy rõ nhất qua 2 vụ bắt cóc trẻ sơ sinh xảy ra gần đây tại BV Hùng Vương và BV quận 7. Hiện nay, các BV sản khoa tại TP HCM đã tăng cường siết chặt an ninh. BV Phụ sản Từ Dũ - nơi hàng ngày tiếp nhận từ 1.200 - 1.500 ca, có 150 trẻ chào đời và cũng chừng đó bé xuất viện - đã tăng cường đội ngũ bảo vệ (có cả thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp) luân phiên túc trực để hướng dẫn và kiểm soát những đối tượng giả mạo người nhà bệnh nhân. Khi người nhà đưa trẻ ra khỏi cổng BV phải có giấy xuất viện, chứng minh là thân nhân bệnh nhân...
Một số BV lớn đã phân công nhiều nhân viên bảo vệ mặc thường phục, hoạt động như công an mật, phục tại các điểm nóng.PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho biết Khoa Cấp cứu của BV này cũng được tăng cường các lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp. Khi có sự cố xảy ra hay côn đồ tấn công, BV sẽ nhận được sự hỗ trợ từ công an địa phương. Tuy nhiên, có sự việc diễn ra rất nhanh, nếu chờ công an đến thì sự đã rồi nên đội ngũ bảo vệ BV phải được trang bị các dụng cụ cần thiết, chẳng hạn như roi điện để ứng phó tình huống.
Mới đây, Sở Y tế và Công an TP HCM đã ký kết Quy chế phối hợp về công tác bảo đảm an ninh trật tự trong các cơ sở y tế. Theo đó, Công an TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại các BV, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho các y - bác sĩ và bệnh nhân an tâm điều trị, khám chữa bệnh; mỗi BV nằm ở địa bàn nào sẽ ký kết với công an địa bàn đó để nhờ hỗ trợ; bảo vệ BV sẽ gắn kết với công an khu vực; tại các BV có đường dây nóng của công an phường, quận để kịp thời nhận thông tin.
Nguồn News.zing.vn