Đường dây nóng này cũng tiếp nhận và xử lý các ý kiến đã phản ánh qua “đường dây nóng” cấp Sở Y tế nhưng không được tiếp nhận, giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các bệnh viện tái thiết lập “đường dây nóng” kèm số điện thoại của giám đốc đơn vị ghi nhận phản ánh của người dân đối với đội ngũ y, bác sĩ.
Theo đó, người dân có các bức xúc về tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, ứng xử chưa phù hợp; chậm xử trí các tình huống khẩn cấp; không hướng dẫn hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh; có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực; có bằng chứng về nhận phong bì, bồi dưỡng trong quá trình người bệnh đang nằm viện; thủ tục khám chữa bệnh; chất lượng dịch vụ ăn, mặc, ở của cơ sở khám chữa bệnh… có thể phản ánh trực tiếp tới các số điện thoại “đường dây nóng”.
Nhân viên y tế quát mắng bệnh nhân sẽ được phản ánh tới đường dây nóng
Bộ Y tế cũng yêu cầu các số điện thoại này phải được dán tại nơi người bệnh dễ thấy như nơi đón tiếp, phòng khám, khoa khám bệnh, buồng bệnh, khoa điều trị.
Bệnh viện phải có quy định, phân công người thường trực 24/24 giờ.
Người tiếp nhận có trách nhiệm giải thích rõ, xử lý ngay những vấn đề có thể, chuyển tới các cá nhân, bộ phận liên quan. Cá nhân và bộ phận liên quan khi nhận được thông tin có trách nhiệm xử lý ngay, hoặc phải trực tiếp đến tận nơi kiểm tra và xử lý.
Với những trường hợp có sai phạm phải có biện pháp xử lý: Phê bình, nhắc nhở trước giao ban, trừ thu nhập tăng thêm, thuyên chuyển vị trí công tác khác…