Theo cáo trạng, tối 29-4, Lộc giăng dây kẽm rồi đấu điện để chống trộm tại phòng của hiệu trưởng, hiệu phó, hội trường và ổ khóa lớp 3A1 Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Đến khoảng 15 giờ 30 phút ngày 30-4, cháu Tôn Đức Cường (SN 2007, ngụ thôn 14, xã Pơng Đrang) cùng một số bạn bè chui qua hàng rào vào trong sân trường chơi thì vô tình chạm vào dây kẽm, bị điện giật chết.
Bị cáo Nguyễn Hữu Lộc tại phiên tòa sơ thẩm
Theo Điều 169 Bộ luật Dân sự, quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu; truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
Người chủ có quyền sử dụng nhiều thiết bị, cách thức, phương pháp khác nhau để bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, việc mắc điện xung quanh hoặc mắc trực tiếp vào tài sản cần bảo vệ lại không được pháp luật cho phép. Nếu gây thiệt hại đến tính mạng của người khác thì chủ tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi mắc điện vào tài sản cần bảo vệ vì cách làm này gây nguy hiểm đến tính mạng người khác và bản thân người phạm tội nhận thức rõ sự nguy hiểm đó. Người phạm tội cũng nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu chạm phải dòng điện chứ không chỉ với kẻ trộm. Trường hợp ai đó hoặc kẻ trộm chạm phải dòng điện nhưng may mắn không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của người vi phạm.
Để việc xét xử được thống nhất, TAND Tối cao hướng dẫn với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội Giết người.
Với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
- Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Giết người.
- Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Vô ý làm chết người.
Như vậy, với các quy định trên thì nếu chủ tài sản sử dụng điện trái phép để bảo vệ tài sản (trong đó có việc sử dụng điện để chống trộm) bất luận thuộc trường hợp nào mà làm chết người thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội danh và hình phạt phụ thuộc vào ý thức, động cơ của người phạm tội cũng như mức độ hậu quả đã gây ra.